Các trận vỡ đê trong lịch sử Đê_sông_Hồng

Đê sông Hồng đoạn qua tỉnh Hà Nam, bên phải là đầm sen, phía xa là điếm canh trên mặt đê.

Trong vòng 100 năm qua (kể từ năm 1901), đồng bằng sông Hồng đã có 26 trận lũ lớn. Các trận lũ lớn này đa số xảy ra vào tháng 8, nhằm vào cao điểm của mùa mưa bão.[5]

Vào năm 1913, ngày 9 tháng 8, khi lũ tại Hà Nội là 11,35 m đã vỡ đê sông Hồng, đoạn ở tỉnh Vĩnh Phúc trên 2 đoạn phía tả ngạn tại Nhật Chiên, Cẩm Viên và Hải Bối, Yên Hoa thuộc Phúc Yên; vỡ đê Phu Chu thuộc tỉnh Thái Bình. Ngày 14 tháng 8, khi lũ Hà Nội xuống mức 10,69 m vẫn vỡ đê Lương Cổ, tả ngạn sông Đáy thuộc tỉnh Hà Nam. Ngày 17 tháng 8, vỡ đê Phương Độ, Sơn Tây phía hữu ngạn sông Hồng khi mực nước Hà Nội là 11,11 m. Ngày 18 tháng 8, vỡ đê Nghĩa Lộ phía hữu ngạn thuộc tỉnh Hà Nam, khi mực nước Hà Nội 11,03 m. Ngày 19 tháng 8, vỡ đê Quang Thừa, Lỗ Xá sông Đáy phía hữu ngạn thuộc tỉnh Hà Nam, khi mực nước Hà Nội 10,99 m. Nước lũ làm ngập gần hết tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), một phần Hà Tây, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình và Bắc Ninh.[6]

Năm 1915, từ ngày 11 đến 20 tháng 8: Đê bị vỡ liên tiếp 42 chỗ với tổng chiều dài 4180 m (từ 11 - 20/7/1915 khi mực nước Hà Nội dao động từ 11,55 - 11,64 m). Những nơi vỡ chính như: Xâm Dương, Xâm Thị đê hữu sông Hồng thuộc tỉnh Hà Đông. Các chỗ vỡ khác như Lục Cảnh, Hoàng Xá, Trung Hà tỉnh Phúc Yên; Phi Liệt, Thuỷ Mạo tỉnh Bắc Ninh. Đê tả sông Hồng, vỡ ở: Mễ Chân tỉnh Hưng Yên; Gia Quất, Gia Thượng, Phú Tòng, Yên Viên, Đông Thụ, Danh Nam tỉnh Bắc Ninh và một số chỗ khác trên sông Phó Đáy, Đuống và sông Đáy,...[6]

Năm 1926, ngày 29 tháng 7, khi mực nước Hà Nội lên tới 11,93 m thì vỡ đê tả ngạn sông Hồng vùng Gia Quất, Ái Mộ, Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh; vỡ đê hữu ngạn sông Luộc tại Hạ Lao, Văn Quán tỉnh Thái Bình; vỡ đê tả ngạn sông Luộc tại Bô Dương, tỉnh Hải Dương. Tổng diện tích đất canh tác bị ngập lụt do vỡ đê khoảng 100.000 ha[6].

Một trận lũ lớn vào tháng 8 năm 1945 gây vỡ đê tại 79 điểm, gây ngập 11 tỉnh với tổng diện tích 312000 ha, ảnh hưởng tới cuộc sống của 4 triệu người.[5]

Năm 1971, ảnh hưởng những trận mưa to liên tục và một cơn bão lớn, nước trên sông Thao, sông Lôsông Đà đã hợp lại gây nên cơn lũ lịch sử của đồng bằng sông Hồng. Mực nước sông Hồng ngày 20 tháng 8 lên đến 14,13 m ở Hà Nội (cao hơn mực nước báo động cấp III đến 2,63 m). Mưa lũ năm 1971 đã gây vỡ đê ở ba địa điểm, làm chết 100.000 người, úng ngập 250.000 ha và hơn 2,7 triệu người chịu thiệt hại.[5]